Hầu tòa với cáo buộc rút 1 triệu tỷ đồng, gây thiệt hại 677.000 tỷ cho SCB nhưng Trương Mỹ Lan phủ nhận, cho hay bản thân “hứa với người chết cũng thực hiện” và chưa từng lấy đồng nào của SCB.
Sáng 12/3, phiên tòa xét xử 86 bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư bào chữa cho Trương Mỹ Lan.
Bà Lan bị cáo buộc năm 2012 đã thâu tóm SCB (được hợp nhất từ 3 ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn và Đệ Nhất). Trong 10 năm sau đó, người phụ nữ lập hàng nghìn hợp đồng vay sai quy định để rút 1 triệu tỷ đồng của SCB, hiện còn hơn 677.286 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Trương Mỹ Lan khẳng định không rút tiền của SCB, cho rằng nhóm lãnh đạo ngân hàng này “không nói sự thật”.
Trả lời câu hỏi của luật sư, Trương Mỹ Lan khẳng định từ ngày hợp nhất 3 ngân hàng, bản thân chỉ đưa tài sản vào SCB để giúp ngân hàng tái cơ cấu và: “Có bao giờ rút tiền ra đâu, tôi có lấy đồng nào của SCB đâu”.
Bị cáo Lan cho hay nguyên quán tại Triều Châu (Trung Quốc) nhưng sinh ra ở Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai. Theo bà, sau năm 1975, nhiều người đã đi nước ngoài làm ăn nhưng “tôi chọn ở lại Việt Nam”, được Nhà nước tạo điều kiện làm ăn…
Chủ tọa giải thích, bị cáo sinh ra ở Việt Nam, dù đi nước ngoài hay không vẫn là người Việt Nam và chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện cho mọi công dân dù ở bất cứ đâu nên không cần trình bày việc này. Chủ tọa yêu cầu luật sư chú ý câu hỏi và bị cáo Lan chú ý câu trả lời của mình.
Tiếp tục khai báo, Trương Mỹ Lan trình bày, có mẹ là “tiểu thư của chợ Bến Thành”, cửa hàng tại 244 cửa tây, chuyên bán mỹ phẩm, hàng hóa khác. Năm 1988, nơi này đổi thành Trung tâm Thương mại vật tư và năm 1992 được lập công ty TNHH.
“Mẹ tôi đã tích lũy được tài sản vì lúc đó rất là rẻ nên tôi có vốn và tâm huyết đi hoạt động cộng đồng”, lời bị cáo trình bày. Cũng trong năm 1992, bà Lan gặp chồng là bị cáo Chu Lập Cơ – người Hồng Kông sang Việt Nam đầu tư – và tổ chức lễ cưới.
Luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi, vì sao bị cáo biết đến SCB, cơ duyên nào đưa bị cáo đến ngân hàng này? Trương Mỹ Lan bật khóc, cho hay “nghĩ đến ngày đó rất xót xa”.
Nữ bị cáo sau khi bình tĩnh trở lại đã trình bày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng mời nhiều người đầu tư nhưng không ai dám vào nên vận động bà dù bà “không biết ngân hàng, không thích ngân hàng”.
Bị cáo cho hay, NHNN khi đó yêu cầu đầu tư vào SCB với 3 nhiệm vụ cụ thể gồm: Vận động bạn bè, miễn sao nắm trên 65% cổ phần của 3 ngân hàng nhỏ để hợp nhất, không ảnh hưởng các ngân hàng khác và hệ thống tiền tệ quốc gia; cho mượn tài sản để SCB cơ cấu; thứ 3 là “kêu được” đối tác nước ngoài vào.
Bà Lan phân tích, đối tác nước ngoài vào SCB phải gồm 2 nhóm, một chuyên kinh doanh tài chính ngân hàng và một nhóm chuyên kinh doanh bất động sản.
Nhóm các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Trương Mỹ Lan khai đã đồng ý yêu cầu đầu tư ngân hàng, mang khách sạn Windsor của mình đi thế chấp cho ông Trần Bắc Hà (mất trong trại tạm giam năm 2019). Theo bị cáo, đây là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Việt Nam, có giá trị 1 tỷ USD nên vay được 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó ông Trần Bắc Hà “rút lui” vì thấy 3 ngân hàng tiền thân của SCB “nợ nhiều quá”. Dù vậy bà Lan vẫn tiếp tục đầu tư.
“Tôi cố gắng, mang hết tài sản, mang vàng của mẹ, mượn nhà cửa bạn bè để đầu tư, tái cơ cấu, nói cố gắng đến năm 2017 phải xong”, Trương Mỹ Lan khai, thêm rằng khi điều tra, bị xác định mang khách sạn Windsor đi thế chấp, lấy tiền dùng riêng, bà “rất đau lòng”.
“SCB lúc đó kinh khủng lắm, tôi biết cần rất nhiều tài sản nhưng tôi tin với trí tuệ của tôi, tài sản của tôi và bạn bè sẽ giúp được ngân hàng”, Trương Mỹ Lan cho hay nhưng cũng thừa nhận, về mặt kinh doanh thì hoàn toàn không biết “làm ngân hàng”.
Các luật sư tiếp tục nêu câu hỏi về việc cáo trạng xác định bị cáo Lan nắm 91% cổ phần tại SCB nhưng chủ yếu nhờ người khác đứng tên, gồm 30% của các cổ đông nước ngoài. Cơ quan điều tra đã ủy thác để làm rõ họ là ai nhưng đến nay chưa có kết quả.
Trương Mỹ Lan lại khóc, trình bày nếu thực sự có tài sản, sẽ chỉ để một nhóm người của SCB quản lý, nhưng là của những người được bạn bè bà giới thiệu rồi đầu tư vào ngân hàng.
Người phụ nữ khẳng định không thể nói số cổ phần này của mình vì: “Tôi hứa với ai tôi làm, hứa với người chết cũng phải làm. Đây là bản tính của cả gia tộc tôi. Nếu hôm nay, tôi có cổ phần lớn, tôi ngại đâu”. Bị cáo cho rằng nếu nhận cổ phần là của mình, sẽ chiếm đoạt tài sản của bạn bè.
Về việc các lãnh đạo, nhân viên của SCB đều khai Trương Mỹ Lan có vai trò lớn, là người làm chủ của ngân hàng, nữ bị cáo này cho rằng: “Anh em ngộ nhận vai trò của tôi” và trách móc: “Tại sao không dám nói sự thật, rằng tài sản của tôi đưa vào để cơ cấu SCB”.
Chiều nay (12/3), tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi