Sự việc xảy ra với hàng nghìn chiếc ngà voi được tìm thấy tại công trường đã khiến giới khảo cổ học Trung Quốc có quyết định bất ngờ
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, chỉ những người có địa vị cao mới được sở hữu các sản phẩm từ ngà voi. Điều này cũng khiến các di vật văn hóa ngà voi chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học. Thông qua việc phân tích và khám phá các di vật này, hậu thế sẽ có góc nhìn sâu hơn về khả năng sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân ngày xưa.
Đã có không ít cuộc khai quật các di vật văn hóa ngà voi trong quá khứ, thế nhưng với người dân Trung Quốc, lần tìm thấy loại di vật này tại tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2001 là gây chấn động nhất. Bởi ngay khi việc thu thập số ngà voi đang diễn ra, các chuyên gia có mặt tại hiện trường đã yêu cầu chôn lại lòng đất và sơ tán mọi người.
Vậy trong lần khai quật này, chuyện gì đã diễn ra? Tại sao các nhà khảo cổ lại có quyết định kỳ lạ như vậy ? Sự thật cuối cùng cũng đã được tiết lộ.
Năm 2001, tại khu vực làng Kim Sa, thuộc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, một đội xây dựng đã phát hiện ra nhiều cổ vật dưới lòng đất trong quá trình thi công dự án. Ngay lập tức, các công nhân trong đội xây dựng đã báo cáo sự việc cho cảnh sát và các chuyên gia về di vật văn hóa tại địa phương.
Cảnh sát và đội khảo cổ ngay sau đó đã có mặt và yêu cầu phong tỏa hiện trường để tiến hành khai quật các báu vật. Theo thông tin từ Sohu, địa điểm Kim Sa này thuộc về triều đại nhà Thương và nhà Chu của Trung Quốc. Trong quá trình khai quật, các chuyên gia đã tìm thấy được hàng nghìn công cụ bằng đá quý, đồ gốm, đồ vàng và các di vật văn hóa khác. Điều khiến các nhà khảo cổ bất ngờ hơn cả là họ còn tìm thấy một số lượng lớn ngà voi tại đây, số lượng ước tính lên tới hơn 1.000 chiếc.
Trong quá trình kiểm kê, họ nhận thấy một số chiếc ngà vẫn còn nguyên vẹn, trong khi một số khác đã được chạm khắc. Kỹ thuật chạm khắc của người xưa tinh xảo tuyệt vời đến mức các chuyên gia có mặt đều phải kinh ngạc. Cũng từ phát hiện này, họ có thể xác định rằng ngay từ hàng nghìn năm trước trong xã hội Trung Quốc, ngà voi đã được xem là một mặt hàng thủ công quý giá. Thậm chí khi đối chiếu với các tư liệu lịch sử, các chuyên gia tin rằng ngà voi từ thời nhà Thương và nhà Chu phải là một vật hiến tế đặc biệt và vô cùng quan trọng trong các hoạt động cúng tế xa xưa.
Tuy nhiên, trong quá trình thu thập những chiếc ngà voi này, một số chuyên gia phát hiện ra rằng màu sắc của chúng sau khi được khai quật bỗng đậm màu hơn, rất khác so với trạng thái trước đó. Từ điểm này, họ cho rằng khi ngà voi được đưa ra khỏi lòng đất nên bề mặt của nó đã bị oxy hóa.
Xét thấy công nghệ khảo cổ học và công nghệ bảo vệ di tích văn hóa lúc đó không thể giải quyết tốt vấn đề oxy hóa này, các chuyên gia đã lập tức yêu cầu nhân viên chôn lại toàn bộ số ngà voi tìm thấy xuống đất để bảo vệ và giữ gìn. Có như vậy, di vật văn hóa này mới không bị hư hỏng và giữ nguyên được giá trị vốn có. Điều này cũng có nghĩa là công việc khai quật đang tiến triển được nửa chặng đường thì phải dừng lại. Những người không có phận sự cũng được yêu cầu rời địa điểm này.
Cho đến ngày nay, di tích văn hóa ngà voi ở di chỉ Kim Sa vẫn chưa được khai quật lại. Nguyên nhân là do vấn đề oxy hóa ngà voi vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nếu toàn bộ số di vật ngà voi này bị đem ra ngoài, chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho di vật. Suy cho cùng, những di vật văn hóa quý giá như vậy là nhân chứng của lịch sử. Nếu chúng vô tình bị hư hại cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc nghiên cứu văn hóa lịch sử. Do đó, số nhà voi này vẫn đang nằm yên trong lòng đất và chờ đợi các chuyên gia liên quan tìm ra các công nghệ hiện đại để có thể bảo vệ chúng tốt hơn.
Trong tương lai, với sự cải tiến không ngừng của công nghệ, có lẽ, nhiều bảo vật quý giá trong quá khứ sẽ có thể xuất hiện trở lại và cho thế giới những câu trả lời về những bí mật của lịch sử Trung Hoa vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.