Lý do nhiều người nhận được tin nhắn g.iả ng.ân hà.ng, tin nhắn kh.iê.u d.âm

Do thiết bị giả trạm BTS gọn nhẹ nên các đối tượng có thể cho lên ôtô, chạy đến những khu vực đông người để phát tán được nhiều tin nhắn rác nhằm lừa đảo người dùng.

Trạm BTS giả có kích thước ngang chiếc vali. Ảnh: Công an cung cấp

8 trạm BTS giả được phát hiện trong 1 tháng

Tháng 3.2023, nhiều người dùng di động tại nhiều khu vực trên cả nước phản ánh tình trạng bị làm phiền bởi tin nhắn từ người gửi có tên như “gai goi”, “lamtinh”, “tinh mot dem”. Các tin nhắn liên quan đến tình dục kèm link tải ứng dụng trái phép.

Đến tháng 4, nhiều người dùng lại phản ánh nhận được các tin nhắn brandname mang tên ngân hàng, nằm chung luồng với tin nhắn thật, lừa truy cập trang web mạo danh, từ đó đánh cắp thông tin đăng nhập và tiền trong tài khoản. Một số người dân suýt sập bẫy vì tin nhắn giả này.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), đây là tin nhắn lừa đảo, dụ người dùng truy cập đường link để cài phần mềm độc hại hoặc đánh cắp thông tin tài khoản. Để gửi tin nhắn brandname đến người dùng, thủ đoạn chung của kẻ gian là tạo ra một trạm phát sóng BTS giả.

Trong tháng 3.2023, Bộ TTTT đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ án dùng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, quảng cáo nhằm lừa đảo người dân.

Các trạm này được phát hiện ở Hà Nội, TP HCM, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa.

Đây là bộ thiết bị gồm modem và ăng-ten, có kích thước ngang chiếc vali, có khả năng áp chế mọi điện thoại trong tầm phủ sóng, hạ cấp mạng từ 3G, 4G xuống 2G (GSM) khiến thiết bị điện thoại nằm trong vùng phủ sẽ nhận được tin nhắn. Đây cũng là lý do nhiều người trong cùng một khu vực sẽ nhận được tin nhắn tương tự nhau.

Trạm BTS giả được đặt trên ôtô. Ảnh: Công an cung cấp

Ví dụ trong trường hợp được phát hiện ngày 21.3 ở Gia Lai, một người sử dụng BTS giả đặt trên ôtô đỗ bên đường để gửi tin nhắn rác với nội dung khiêu dâm.

Do thiết bị giả trạm BTS gọn nhẹ nên các đối tượng lừa đảo có thể cho lên ôtô, chạy đến những khu vực đông người như ngã tư đèn xanh đèn đỏ, các sự kiện tập trung đông người, trung tâm thương mại… nhằm phát tán được nhiều tin nhắn SMS.

Một thiết bị giả mạo như vậy một ngày có thể phát tán lên đến 70 nghìn tin nhắn. Toàn bộ các tin nhắn này không thông qua hạ tầng của các nhà mạng nên chúng có thể mạo danh bất kỳ brandname nào để lừa người dùng.

Ông Ngô Minh Hiếu – chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia – cho biết, đây có thể là ứng dụng gián điệp, có khả năng đánh cắp thông tin trên thiết bị sau khi được cài đặt. Chiêu trò lừa đảo này không mới và đã xuất hiện nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Nhóm bảo mật của chuyên gia Ngô Minh Hiếu ghi nhận trong năm nay, đã có khoảng 30 ngàn người là nạn nhân của các tin nhắn này. Hiện một số website của những kẻ lừa đảo đã bị ngăn chặn, gỡ bỏ.

Nâng cao cảnh giác

Theo ông Hiếu, trong trường hợp nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi mong muốn, người dùng cần có động thái xác thực thông tin. Hãy tra cứu số điện thoại của ngân hàng, cơ quan hoặc tổ chức vừa liên hệ để xác minh thông tin.

“Nếu cảm thấy giao dịch không đáng tin, người dùng nên dừng lại và gạt khỏi đầu liên hệ này” –  ông Hiếu chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – cho biết, các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó nhận diện, xuất phát một phần từ việc không xác nhận chủ thể website, tên miền.

Theo đó, người dùng phải thận trọng khi nhận được tin nhắn có nội dung yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, tin nhắn có gắn kèm theo đường liên kết (link), tin nhắn từ số điện thoại người thân hỏi vay tiền,…

Mặt khác, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, khả nghi của tin nhắn nhận được, phát hiện người lắp đặt thiết bị điện tử lạ, nhất là tại khu vực có mật độ dân cư đông đúc, người dân cần thông báo kịp thời cho Bộ TTTT, Sở TTTT hoặc cơ quan Công an để ngăn chặn, xử lý.

Trước thực trạng lừa đảo qua website giả mạo gia tăng, VNNIC giới thiệu hệ thống tra cứu tên miền. Người dùng có thể kiểm tra thông tin về tên miền bằng cách soạn tin nhắn TCTM Tên miền hoặc link của website gửi 156.

Các tên miền của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đăng ký bằng tổ chức nước ngoài, ẩn giấu thông tin, có thể là tên miền lừa đảo.

Đây là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho người sử dụng trong việc xác định nguồn tin trên môi trường mạng, từ đó góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Next Post

Nước mía Việt ở Hàn Quốc đắt hàng

T7 Th4 8 , 2023
Chị Phương cho hay: “Ban đầu khi mới mở bán, mình không nghĩ người Hàn sẽ thích nước mía như vậy. Họ khen ngon, có người uống 3 ly liền. […]

Có Thể Bạn Muốn Xem